Rượu Sake – quốc tửu trong văn hóa Nhật Bản

Rượu Sake – nét tinh hoa rượu truyền thống Nhật Bản. Trong văn hóa Nhật Bản, có một thứ văn hóa đó là văn hóa rượu Sake được người dân trân trọng. Rượu Sake là tên gọi chung của các loại rượu gạo Nhật Bản. Đối với người dân Nhật Bản, rượu sake là một biểu tượng của đất nước mặt trời mọc, không đơn thuần chỉ là một loại thức uống trong bữa ăn. Ý nghĩa văn hóa – tôn giáo đặc biệt của rượu sake là ở chỗ nó không chỉ là cầu nối giữa con người với con người mà còn là cầu nối giữa con người với thần linh. Cùng HIHR tìm hiểu Rượu Sake – quốc tửu trong văn hóa Nhật Bản.

Sake – nét tinh hoa rượu truyền thống Nhật Bản
Ở Nhật Bản, rượu sake không chỉ sử dụng để chỉ món rượu gạo điển hình được phục vụ trong các nhà hàng và quán rượu, mà còn có ý nghĩa để chỉ “đồ uống có cồn”. Do đó, món rượu gạo còn thường được gọi là nihonshu, với ý nghĩa “món rượu Nhật Bản”

Rượu gạo sake có nguồn gốc vô cùng lâu đời, từ thế kỷ thứ III. Điều này cũng có thể lý giải do gạo là một phần quan trọng trong lịch sử của Nhật Bản từ ngàn đời. Rượu Sake thủa xưa vốn không dành cho tầng lớp bình dân mà chủ yếu phục vụ hoàng gia hoặc các đền chùa lớn, và thường được dùng trong các lễ hội tôn giáo. Đến tận khoảng cuối thế kỷ 12, Sake mới bắt đầu trở thành thứ đồ uống phổ biến trong tầng lớp bình dân.

Trong quan niệm của người Nhật Bản, thần của rượu sake chính là thần mùa màng. Vì thế, rượu sake giữ vai trò rất quan trọng trong nhiều lễ hội tôn giáo cũng như trong các sự kiện quan trọng. Nét đặc sắc của rượu sake so với các loại rượu danh tiếng khác trên thế giới bắt nguồn từ vị trí địa lý của Nhật Bản. Qua nhiều thế kỷ, người Nhật vẫn giữ phương pháp làm rượu sake độc đáo của mình như một nét văn hóa riêng không hề bị pha trộn.

Những nguyên tắc khi uống và phục vụ rượu Sake
Sake (còn gọi là Nihonshu) là tên gọi chỉ chung các loại rượu ở Nhật Bản, đặc biệt là rượu gạo. Có rất nhiều truyền thống xung quanh việc phục vụ và uống Sake. Bạn sẽ được người Nhật khen ngợi là hiểu biết và lịch sự nếu nắm vững những nguyên tắc cơ bản này!

1. Các loại chai và tách  khi sử dụng rượu Sake

Rượu Sake được đựng trong một chiếc bình nhỏ, thường là loại chai bẹt bằng gốm sứ được gọi là Tokkuri. Nó thường có hình củ hành với một cái cổ hẹp, nhưng cũng có rất nhiều loại khác, chẳng hạn như Katakuchi, trông hơi giống một ấm trà.

 

Loại tách chuẩn dành cho rượu Sake vẫn còn gây tranh cãi vì có một số người khẳng định đó là loại ly tay cầm nhỏ gọi là Ochoko, có người lại nói là loại tách đáy phẳng giống hình cái đĩa gọi Sakazuki, hay loại tách gỗ giống như chiếc hộp gọi là Masu.

Loại cốc thủy tinh, dù không phải truyền thống, cũng rất thích hợp để uống loại quốc tửu của Nhật Bản này.Được thiết kế để người uống có thể nhìn thấy màu sắc và cảm nhận trọn vẹn mùi thơm có tác động rất lớn đến hương vị, một ly rượu vang cho phép bạn tận hưởng đầy đủ phẩm chất của rượu Sake.

Tóm lại, hãy dùng loại tách truyền thống nếu muốn đạt sự rung cảm đích thực, nhưng cũng có thể dùng loại ly thủy tinh có chân nếu muốn tận hưởng đầy đủ hương vị Sake.

2. Cách uống rượu Sake

Các loại Sake thông thường như Honjozo-shu và Shunmai-shu thường được hâm nóng bằng nhiệt độ phòng, trong khi Ginjo-shu và Namazake (loại rượu “sống” chưa qua tiệt trùng) đều được ướp lạnh. Không hâm nóng Sake cao hơn nhiệt độ phòng, nếu không nó sẽ kém chất lượng.

Cách uống rượu Sake là cách thưởng thức loại rượu này ở những dạng khác nhau. Điều đặc biệt ở loại rượu này là nó có thể thưởng thức ở cả dạng lạnh và khi được hâm nóng.

Ở dạng được làm lạnh

Nhiệt độ của rượu vào khoảng từ 7 đến 10 độ sau khi qua công đoạn làm lạnh. Tuy nhiên đối với rượu Ginjou thì nên thưởng thức ở nhiệt độ khoảng từ 10 đến 15 độ vì đặc trưng của loại rượu này là sẽ nhạt đi nếu ở nhiệt độ quá thấp. Với các loại Sake thông thường thì du khách chỉ cần đặt rượu vào tủ lạnh là đạt yêu cầu. Đây là cách thưởng thức khá đơn giản mà vẫn giữ nguyên được vị ngon của rượu.

Ở dạng được hâm nóng

Ở từng khoảng nhiệt độ, rượu Sake có các tên gọi khác nhau. Sake khi được hâm nóng ở nhiệt độ từ 40 đến 60℃ thì được người Nhật Bản gọi chung là Kan. Nhiệt độ rượu trên dưới 50℃ gọi là Atsukan, còn khoảng xấp xỉ 40℃ thì gọi là Nurukan, và nếu nằm khoảng giữa 45℃ được gọi là Tekion.

Ở dạng nhiệt độ phòng
Rượu Sake khi được uống ở nhiệt độ phòng thì người Nhật gọi là Hiya. Tuy nhiên cụm từ “dạng nhiệt độ phòng” này không phải là nhiệt độ phòng bất kì mà có nghĩa là tùy thuộc vào từng mùa. Mùa hè nóng thì cần làm mát rượu, mùa đông lạnh sẽ cần phải làm hâm nóng rượu lại. Nhiệt độ trung bình ở dạng phòng sẽ thường rơi vào khoảng từ 15 đến 20℃. Những người sành rượu rất ưa thích khoảng nhiệt độ này do có thể cảm nhận được hương vị rượu một cách trung thực nhất.

Ở dạng uống với đá

Ở dạng này, rượu đã được làm lạnh sẵn bằng một cục đá to trong ly dành riêng cho cách uống Sake lạnh. Khi thưởng thức, bạn chỉ nên rót chừng 50-60ml để uống vừa đủ trước khi đá tan ra làm rượu mất ngon. Genshu (rượu nguyên chất), rượu gạo hoặc rượu chưa được làm nóng (seishu) thường sử dụng cách uống này.

3. Rót Sake cho khách

Cầm Tokkuri bằng cả hai tay, lòng bàn tay úp xuống. Bạn có thể quấn một chiếc khăn quanh Tokkuri để Sake khỏi bị nhỏ giọt xuống. Lần lượt rót vào từng cốc. Không rót đầy cốc của bạn. Đó là nhiệm vụ của khách, họ sẽ là người đảm bảo cốc của chủ nhà đã được rót đầy.
Bạn cũng có thể rót bằng cách cầm chai một tay, nhưng phải chạm hờ tay còn lại vào tay đang rót. Nó cũng giống như rót bằng hai tay.

Nhưng nếu bạn có địa vị cao hơn người mà bạn đang phục vụ (ví dụ, bạn là ông chủ của họ), chỉ cần rót bằng một tay (không cần chạm tay còn lại vào tay đang rót).

4. Cầm tách đúng cách khi được rót rượu Sake

Trong các buổi lễ tiệc trang trọng, hãy nâng tách lên khi đang được phục vụ. Một tay của bạn (thường là tay phải) cầm bao quanh ly và đặt tay đang cầm trên lòng bàn tay còn lại.

Nếu người phục vụ có địa vị thấp hơn bạn, bạn chỉ cần cầm tách một tay.

5. Nguyên tắc khi chạm cốc uống Sake

Bạn có thể nói “Kanpai” nếu đang ở trong một nhà hàng Nhật Bản, sau đó chạm ly với mọi người. Nếu bạn đang uống rượu với một người có địa vị cao hơn, hãy chắc chắn là vành ly của bạn nằm dưới vành ly của họ khi chạm cốc.

6. Uống Sake

Sake không nặng độ lắm (độ cồn của nó không cao hơn của một số loại rượu vang cao độ như ở California, ngoại trừ Genshu), và có thể uống như khi uống vang trắng. Tuy nhiên, nếu đó là Sake (kém chất lượng) được hâm nóng, bạn nên uống từ từ, vì hơi cồn sẽ xộc vào mũi và cổ họng của bạn khi uống. Không nên làm một ngụm tới cạn ly.

Bên cạnh đó, trong khi đang uống, bạn nên xoay mặt khỏi phía của người có địa vị cao hơn một chút. Nếu bạn đang uống rượu với một người có địa vị rất cao, hãy xoay mặt hoàn toàn khỏi phía của họ trước khi uống phần Sake của bạn.

Một số lưu ý về cách uống rượu Sake

Hãy dùng Sake trong vòng hai hoặc ba tháng sau khi mua và từ hai đến ba giờ sau khi khui. Không nên uống ngay mà nên lưu trữ giống như rượu vang.Cách tốt nhất để xác định nhiệt độ thích hợp cho Sake là để cho Sake ướp lạnh tự đạt đến nhiệt độ phòng, cần nếm thử định kỳ để xác định hương vị tối ưu.

Sake hâm nóng, tức Atsukan, thường chỉ được uống trong thời tiết lạnh hoặc khi đang uống rượu vang có chất lượng thấp. Trong thời tiết ấm áp hoặc khi uống Sake cao cấp, nên ướp lạnh chúng trước khi uống.

Nếu người khác luôn rót đầy ly cho bạn trong khi bạn không muốn uống nhiều, hãy nhấp từng ngụm nhỏ để tách của bạn không bao giờ cạn.

Sake thường được uống trong các bữa ăn nhẹ (ví dụ lúc dùng Sashimi) nhưng không dùng trong bữa ăn chính thức. Theo truyền thống, bạn không nên dùng Sake trong khi đang ăn cơm hoặc dùng món có cơm (như Sushi) vì nó được xem là dư thừa. Nếu bạn đang có kế hoạch ăn Sushi, hãy ngưng uống Sake trước khi bắt đầu dùng món Sushi.
Lưu ý!

Ở Nhật Bản, Giống như với tất cả các loại thức uống có cồn khác, không được vận hành máy móc hạng nặng hoặc nguy hiểm (chẳng hạn như xe hơi) ngay sau khi uống quá nhiều rượu Sake.  Người phục vụ thức uống có cồn thường phải chịu trách nhiệm pháp lý với hành động của những người khách mà mình mời. Do đó, không được để cho người lái xe uống say và không cho phép người say lái xe.

Tejaku là từ dùng để chỉ việc bạn tự rót Sake cho mình, và nó được xem là khiếm nhã.

Nếu trên menu chỉ ghi chữ “rượu gạo” thì không có nghĩa đó là Sake thật sự. Một số loại đồ uống như rượu Shochu hay Mao Đài cũng được chưng cất từ gạo hoặc khoai tây, nhưng chúng không phải là Sake.

Đối với người dân Nhật Bản, rượu sake không chỉ đơn thuần chỉ là một loại đồ uống, mà hơn nó còn mang ý nghĩa văn hóa và tôn giáo đặc biệt. Người Nhật trân trọng thức uống quốc tửu này như một cách gìn giữ văn hóa quốc gia. Uống rượu sake vì đó cũng là một trong những nét văn hóa xứ Phù Tang đặc sắc nhất.

Tin Liên Quan